【Chung Thanh Huy】
Trí tỉnh giấc khi trời đã xế chiều bởi cuộc gọi của mụ Béo với cái giọng chua hơn chanh:
- Tưởng mày chết mất xác rồi chứ, đi đòi nợ con Yên cho tao.
Hắn càu nhàu bằng cái giọng còn ngái ngủ:
- Mẹ kiếp, nợ với nần...
- Thằng chó, mày chửi ai đấy. Nó thiếu 3 triệu, mày mang về cho tao trước giao thừa.
Hắn ném chiếc điện thoại lên bàn, ngã vật ra giường nghĩ ngợi. Không ngờ cái con Yên này cũng ghê gớm thật. Ở cái làng này chả ai đang nợ nần mà có thể yên ổn với mụ Béo. Bởi mụ có lắm chiêu để rút rỉa đến cạn kiệt nguồn sống của con nợ. Thấy ai túng bấn, khó khăn là mụ cử giả vờ tốt bụng, ngỏ ý giúp đỡ. Nhưng đã trót cầm những đồng tiền của mụ rồi thì khó mà yên thân. Bởi đám đàn em của mụ chẳng khác nào những cái vòi bạch tuột vây bủa khắp nơi.
Hắn nhớ đã giao vụ con Yên này cho thằng Tý thọt vậy mà cũng không xong. Đi đòi nợ về tay không là chuyện bình thường. Có điều nó thấy nhục mặt bởi Tý thọt là một thằng đàn em cũng có số má vậy mà không thể làm gì được một con đàn bà nhà quê nhỏ thó như Yên. Để đích thân mụ Béo gọi cho hắn bằng giọng điệu trịnh thượng chẳng khác nào chửi thẳng mặt, coi thường cái đám đòi nợ có tiếng nhất vùng này do hắn cầm đầu.
Đầu vẫn còn đau như búa bổ sau chầu nhậu tối hôm qua nhưng hắn không thể tiếp tục nằm đây gặm nhấm sự nhục nhã do đám đệ tử gây ra. Đòi được 3 triệu rồi hắn sẽ tính sổ thằng Tý thọt lẫn con mụ Béo, để lấy lại danh dự của một thằng đòi nợ chuyên nghiệp. Hắn với lấy cái áo nhàu nát màu cháo lòng khoác lên vai rồi phóng xe ra ngõ.
Thật ra hắn với Yên chẳng hề xa lạ, bởi cả hai cũng một tuổi, học chung với nhau từ khi còn bé. Đến lúc lớn lên hắn cũng thích Yên nhưng cũng chỉ là yêu đương phương vì bạn bè trang lứa chẳng ai ưa nổi hắn, một thằng con trai ngổ ngáo, vào lớp chỉ thích quậy phá hơn là học hành. Tên Chí Phèo mà người ta quen gọi hắn đến tận bây giờ cũng do tụi bạn học đặt cho do cái tính ngang tàng, ngổ ngáo ngay từ nhỏ. Thi rớt cấp 3 hắn bỏ học, sa đà vào chơi bời, lêu lỏng kiếm sống bằng nghề bảo kê hàng quán và đòi nợ thuê. Trong khi đó Yên lấy Thành cũng là người bạn cùng lớp nhưng có tiếng hiền lành, học giỏi. Cuộc sống gia đình Yên khá yên ổn, hạnh phúc cho đến khi Thành đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Yên một nách hai con, xoay xở đủ nghề từ buôn bán cho đến làm thuê, làm mướn nhưng vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Rồi Yên lại rơi vào cái bẫy cho vay nặng lãi của mụ Béo. Cho nên mỗi lần mụ Béo cần đi đòi nợ Yên là hắn thường kiếm cớ từ chối hoặc sai tụi đàn em vì hắn không thể mạnh miệng chửi bới hay động thủ với người mà hắn đã trót si mê một thời. Chính vì điều đó mà mụ Béo mới cố tình đưa hắn vào thế khó trong buổi chiều cuối năm. Trong lúc bọn đàn em đứa nào cũng có một gia đình để quây quần, sum họp nên một đại ca như hắn mới phải ra tay thu hồi món tiền cuối cùng trong cuốn sổ nợ của mụ Béo.
Hắn đảo mắt một vòng chẳng hề thấy thứ nào gọi là có chút giá trị trong căn nhà trống huơ trống hoác. Trên bàn là mâm cơm vừa dọn ra vẫn còn nguyên. Hắn hấc mặt:
- Mẹ Yên đi đâu rồi, nói mau!
Hai đứa trẻ sợ sệt, nép vào nhau òa lên khóc sau cái tủ rệu rạo ở góc nhà. Hắn lắc đầu chán nản bỏ ra ngoài hiên ngồi tựa cửa đốt thuốc chờ đợi...
Nhìn cảnh người ta tấp nập, ngược xuôi ngoài phố, hắn chợt thấy nhớ về những cái Tết yên ấm khi xưa. Vào những ngày cuối năm, từ nửa tháng trước Tết, mẹ đã phơi héo dưa cải bẹ, củ hành già, chuẩn bị vại để muối dưa. Hương vị các món ăn ngày Tết luôn là những ký ức khó quên của những đứa trẻ quê như hắn, đó còn là cả một sự mong chờ. Khu vườn trước sân nhà luôn có đủ thứ cho Tết, từ hương nhu, mùi già... để tắm gội tất niên, đến những luống rau xanh, những quả bầu, quả bí treo lủng lẳng trên cành. Là gian bếp ám khói nấu bằng trấu, mùn cưa, bằng lá khô quét trong vườn, cả nhà xúm quanh nấu nướng cho đến khuya. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cho Tết. Ngay cả cái mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá mùi tẩy trần cuối năm, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, như vẫn bám chặt lấy hắn từ tuổi thơ đến tận bây giờ.Vui nhất phải kể đến việc đụng lợn. Tất cả được chia rất công bằng. Chỉ có bộ lòng và tiết canh là được làm luôn tại chỗ, các gia đình tập trung lại ăn một bữa, rồi ai mang phần về nhà ấy. Sau khi có thịt thì gói các loại giò chả và đặc biệt là gói bánh chưng. Làng quê những ngày ấy rộn ràng lắm. Tiếng cối đá giã giò lốp bốp, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng nói cười vang vang rộn rã... Tất cả tạo nên một không khí tươi vui rạo rực. Bởi quanh năm vất vả làm lụng, chỉ có Tết mới là dịp người ta được thỏa thích nghỉ ngơi ăn uống, vui chơi. Nhà nào cũng cố lo một cái Tết tươm tất, đủ đầy cho con cái mình.
Nhưng Tết cũng là một nỗi lo âu nặng trĩu với những gia đình thiếu trước, hụt sau. Khi 30 Tết luôn là ngày người ta đòi nợ nhau một cách rốt ráo nhất. Các chủ nợ luôn muốn gom góp, thu lại tất cả những gì đã cho người khác vay mượn suốt một năm qua. Ngược lại, những con nợ cũng cố gắng trả lại cho người ta số tiền mình đã vay mượn hoặc mua thiếu. Do chẳng ai muốn mình thiếu nợ người khác từ năm này sang năm nọ. Nhưng cũng có không ít người vì quá, túng bấn, khó khăn mà tìm cách trốn tránh, lánh mặt trong cái ngày năm cùng, tháng tận. Chỉ cần qua giao thừa là coi như được yên ổn. Bởi cho dù có thế nào đi nữa thì người ta cũng không bao giờ đòi nợ nhau trong những ngày đầu năm.
Nói đâu cho xa, từ lúc bố hắn sa vào nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè thì những cái Tết của anh em hắn trở nên một cái gì đó vừa buồn, vừa tủi... Không chỉ đồ đạt trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi mà còn là những món nợ cứ như từ trên trời rơi xuống khiến mẹ hắn cứ oằn lưng cả đời cũng trả chưa xong. Chưa đêm 30 nào mẹ hắn có mặt ở nhà, điều đó đồng nghĩa với việc, anh em hắn cũng chưa bao giờ có một bữa cơm tất niên như những nhà hàng xóm.
Trong đầu hắn khi đó, họ chính là kẻ thù. Họ là những con người xấu xa. Vì họ mà ngày 30 Tết anh em hắn như ba đứa trẻ mồ côi. Chỉ khi thời khắc giao thừa vừa điểm, tiếng pháo nổ rền vang thì mẹ hắn từ đâu thất thểu trở về. Bà vào bếp thổi bữa cơm tất niên khi bắt đầu ngày đầu tiên của năm mới. Vậy mà giờ đây, hắn lại đi làm cái việc mà ngày xưa hắn rất căm ghét. Đi đòi nợ một người đàn bà cũng túng bấn, khó khăn y như mẹ hắn. Hắn cũng đã từng có một gia đình yên ấm với vợ đẹp, con ngoan. Nhưng rồi hắn cũng sa vào con đường cờ bạc, rượu chè y như bố hắn ngày xưa, khiến vợ con hắn âm thầm bế con đi và cũng đã qua đời vì một tai nạn. Để giờ đây, lúc mỏi gối chùng chân, hắn cảm thấy bơ vơ, đơn độc đến tận cùng nhất là vào những ngày năm hết Tết đến như thế này.
Thật lòng mà nói, hắn đến đây vì một lý do khác chứ chẳng hề muốn nhắc đến chuyện đi đòi nợ cho con mụ Béo. Bởi hắn hiểu từ xưa đến nay, cho dù ở hoàn cảnh nào đi nữa thì Yên vẫn luôn là người tự trọng. Không ít lần hắn từng ngỏ ý giúp đỡ nhưng Yên vẫn một mực từ chối. Sau đó hắn cứ âm thầm giúp mẹ con Yên khi thì cân thịt treo trên cành cây, lúc thì bao gạo để trước thềm nhà. Hắn nể Yên ở chỗ dù cuộc sống khó khăn, mẹ góa con côi vậy mà Yên vẫn tỏ lòng sốt mến. Dù chạy ăn từng bữa, rồi nợ nần chồng chất nhưng Yên vẫn siêng năng đi lễ mỗi ngày và tích cực tham gia công việc chung ở nhà xứ. Hai đứa con của Yên được học hành giáo lý đầy đủ.
Chả bù với hắn quên mất Chúa, Mẹ từng ấy năm qua. Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ của mọi người. Để rồi cuộc sống của hắn cũng chả khấm khá hơn ai mà lại bị người ta coi thường, khinh dễ.
Có lẽ đã đến đường cùng, hết cách xoay xở nên Yên mới trốn nợ ngày 30 Tết y như mẹ hắn ngày xưa. Mà cho dù không đòi được số tiền ấy thì cái Tết của mụ Béo cũng chẳng mất vui tí nào, bởi có khi nó chẳng đủ cho một ván đỏ đen của mụ. Trước lúc đến đây hắn đã vét cạn túi để nộp đủ số tiền Yên còn nợ. Mụ Béo cười đến híp mắt khi lấy được tiền nên giở giọng giả lã khen hắn đúng là dân đòi nợ chuyên nghiệp. Bất chợt chuông nhà thờ vang lên rộn rã làm hắn mới chợt nhớ lẽ ra giờ này Yên đã chuẩn bị đi lễ tất niên thay vì phải trốn chui, trốn nhủi như vậy. Hắn quay vào nhà cất tiếng nhẹ nhàng:
- Yên à, ra mà lo cơm nước cho con rồi còn đi lễ nữa, tôi về đây...
Đúng như hắn nghĩ, từ ở đâu đó trong bóng tối Yên nhẹ nhàng bước ra, lí nhí chào hắn rồi quay sang lấy cơm cho con ăn. Dưới ánh đèn vàng vọt, trông Yên gầy quá, một niềm thương cảm trào dâng trong hắn. Như chợt nhớ điều gì, hắn lủi thủi quay ra con ngựa sắt cà tàng dựng ở góc sân lấy chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ Thành, thắp một nén hương rồi đưa cho Yên bao nylon lớn:
- Áo quần mua cho tụi nhỏ. Mấy mẹ con cứ yên tâm mà ăn Tết, tôi đã lo liệu xong chuyện nợ nần.
- Mẹ con em chẳng biết lấy gì mà đền ơn anh, lâu nay vẫn luôn giúp đỡ...
Hắn khoát tay từ chối:
- Ơn với nghĩa gì, tôi về đây...
Yên khẽ khàng nắm lấy tay hắn cùng ánh mắt tha thiết:
- Anh cứ lại đây đón Tết với mẹ con em, về bên nhà cũng chỉ một mình...
Hắn im lặng một lúc rồi ngồi xuống ghế thay cho câu trả lời. Chỉ đợi có thế, Yên xuống bếp lấy thêm chén đũa cho bữa cơm muộn màng của ngày cuối năm. Lâu lắm rồi hắn mới có được cảm giác ấm áp của một gia đình như thế này. Hắn len lén nhìn Yên rồi nghe nghe tim mình như đang thổn thức những cảm xúc của một thưởu thanh xuân. Hắn ngập ngừng mở lời:
- Hay là Yên cho tôi cùng đi lễ với, cũng lâu rồi tôi không ghé nhà thờ.
Yên trố mắt ngạc nhiên rồi nở nụ cười thật tươi:
- Đúng rồi đó, không bao giờ quá muộn để về với Chúa anh à!