Nhập từ khoá và bấm Enter để tìm kiếm...

"Thiên Chúa, người chăn chiên nhân lành" trong nghệ thuật Công giáo



"THIÊN CHÚA, NGƯỜI CHĂN CHIÊN NHÂN LÀNH"
TRONG NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO 


Hình ảnh Chúa Giêsu với con chiên hiền lành trên vai hay trên tay, hay hình ảnh Chúa Giêsu đứng giữa đàn chiên ngoan ngoãn bình yên nơi đồng cỏ, trong khi, hiện diện khá phổ biến trong các hình thức nghệ thuật công cộng (Public Art)-như tranh ghép kiếng, tranh khảm đá ở các nhà thờ-hay trong các hình thức nghệ thuật đại chúng (Popular Art)-như các loại tiểu họa (icon) ngày xưa và các loại tranh in ngày nay-thì lại, có vẻ như, rất ít được các nghệ sĩ “tên tuổi” quan tâm. Số lượng tác phẩm thực sự đặc sắc về chủ đề này khá hiếm hoi. Rà soát lại toàn bộ lịch sử nghệ thuật Công giáo, kể từ thời Giotto (1267-1377) cho đến nay, về chủ đề này, nổi tiếng, chỉ có vài tác phẩm của Mirullo (1617-1682) và Tissot (1836-1902).

Tại sao có sự hiếm muộn như vậy?

Câu hỏi này đã từng được đặt ra nhưng chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng. Ở đây, tôi chỉ ghi chú về mặt hiện tượng. Tôi sẽ trở lại với vấn đề này trong các bài viết khái quát về sự vận động phát triển của nghệ thuật Công giáo dựa trên các phát kiến Mỹ học Thần học (Theological Aesthetics) hiện đại hơn, sau khi đã giới thiệu một cách tương đối đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu ở các chủ đề tiêu biểu của nghệ thuật Công giáo…

Trước mắt, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu hai tác phẩm được biết đến nhiều nhất về chủ đề đang được đề cập của hai họa sĩ nổi tiếng nói trên.

Murillo, (tên đầy đủ: Bartolomé Esteban Murillo), được xem là họa sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng nhất ở châu Âu đương thời. Ngoài mảng tranh đề tài Công giáo thành công nổi bật với các tác phẩm vẽ Đức Mẹ Maria đầy vẻ thanh thoát, dịu hiền, những bức tranh vẽ các em bé nghèo khó trên đường phố thể hiện tình cảm vừa yêu thương vừa tin cậy của ông cũng đã gây xúc động lớn trong lòng người xem. Người ta đã nói nhiều về ông như một họa sĩ bậc thầy trong việc chuyển tải các cảm xúc trữ tình siêu hình thông qua các hình ảnh cụ thể, chân thực bằng cách thể hiện ánh sáng tinh tế với bảng màu nồng ấm. Và, chính sự nhẹ nhàng, trong sáng trong cách nhìn (đối tượng) và cách thể hiện nghệ thuật đã khiến cho tác phẩm của ông có sức quyến rũ lớn chinh phục tình cảm người xem…

Tác phẩm “Thiên Chúa-người chăn chiên nhân lành” được ông vẽ năm 1660, là tác phẩm nổi tiếng đương thời và được biết đến nhiều nhất cho đến ngày nay. Trong tác phẩm, ông thể hiện Thiên Chúa trong hình ảnh một em bé trong bộ đồ hồng nhạt trong sáng với gương mặt bụ bẩm và đôi mắt tròn xoe vừa ngây thơ vừa đầy vẻ cương nghị. Bên cạnh là chú cừu non màu trắng ngà có dáng dấp điềm tĩnh, hiền lành. Người ta đã nói nhiều về ý nghĩa của hình ảnh trẻ thơ khi thể hiện Thiên Chúa trong tác phẩm này của ông. Với tác phẩm này, dường như, ông đang thể hiện một cách hiểu siêu hình về Thiên Chúa ở tư cách là “Chủ chăn”. Cách hiểu này chuyển hóa hình ảnh Thiên Chúa, và mang chúng ta lại gần hơn với Thiên Chúa, nhớ lại Lời Chúa: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cản chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Hình ảnh một ngôi đền cổ đổ nát trên nền bầu trời xanh tươi mát làm bối cảnh trong tranh dường như cũng được vẽ với chủ ý nhất định. Nó gợi cảm tưởng về một sự tái thiết và hy vọng…




Tác phẩm này của Murillo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha.

Có lẽ cũng nên nói thêm một ít về Murillo: Ông là người sáng lập ra Viện Hàn lâm Nghệ thuật Seville (“Academy of Fine Arts in Seville”-Seville là tên quê hương, nơi ông ra đời) năm 1660, và là chủ tịch đầu tiên. Với Viện Hàn lâm này, ông đã tạo nên một ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của nghệ thuật Công giáo ở Tây Ban Nha cho đến mãi sau này.

Người thứ hai, Tissot (tên đầy đủ: James Tissot) có thể xem là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật Công giáo hiện đại. Ông là họa sĩ người Pháp, học tại École des Beaux-Arts ở Paris. Suốt mấy chục năm đầu, ông được biết đến như một trong những họa sĩ tiêu biểu của trào lưu Ấn tượng chủ nghĩa (Impressionism)-hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên, của hình ảnh phụ nữ và trang phục thời trang...(2) Tuy nhiên, trong khi đang nổi tiếng với những tác phẩm diễm lệ đời thường đó, như “đi theo một tiếng gọi thiêng liêng”, từ năm 1886, ông hầu như dứt bỏ tất cả, để dành gần như toàn bộ quãng đời còn lại để vẽ tranh Thánh. Trong các năm 1886, 1889, 1896 ông đã nhiều lần qua Trung Đông tìm hiểu, ghi chép thực tế hình ảnh cảnh quan và con người… để thực hiện bộ tranh minh họa Kinh Thánh đồ sộ của mình. Cho đến khi qua đời, ông đã vẽ được gần 700 tác phẩm, trong đó, bộ Tân Ước với 365 tranh vẽ bằng màu nước có tên “Cuộc đời Đức Kitô” đã hoàn chỉnh. Đây là bộ tranh vô cùng nổi tiếng, và tất cả, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ngay từ 1896, 1898 bộ tranh này đã được in thành sách và phát hành rộng rãi ở các nước nói tiếng Anh và tiếng Pháp. (3)



Tác phẩm “Người chăn chiên tốt” giới thiệu ở đây, là được rút ra từ bộ tranh minh họa nổi tiếng này của Tissot.

Nhìn tranh, chúng ta dễ dàng nhận biết họa sĩ đang diễn tả dụ ngôn “Con chiên lạc mất”- một trong chuỗi ba dụ ngôn của Chúa Giêsu nhằm trả lời những người Pharisee và những lãnh đạo tôn giáo khác khi họ kết án Người: “đón chào kẻ có tội và ngồi ăn với họ”-trong Kinh Thánh Tân Ước. Tác phẩm thật sinh động với hình ảnh người chăn chiên hớn hở cõng chú chiên đi lạc và đã được tìm thấy trên vai nơi vách đá cheo leo để lại đằng sau lưng phía xa kia những con chiên ngoan hiền còn lại của mình. Cái chỗ đứng, cái dáng dấp và thần thái chân dung nhân vật được thể hiện đã mang lại cho người xem cảm nhận về tinh thần tận tuỵ, tâm hồn đôn hậu và tình cảm yêu thương chân thành nơi người chăn chiên. Sự sống động của bức tranh có sức mạnh như đã làm sống lại Lời Chúa nơi mỗi người xem: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Matthew 18:12-14)

Điều cần nói ngay, hai tác phẩm nói trên, tuy là hai tác phẩm nổi tiếng nhất với chủ đề “Thiên Chúa, người chăn chiên nhân lành” và có một vị trí nhất định trong thế giới nghệ thuật Công giáo, nhưng sự thực, chỉ có vị trí hết sức khiêm tốn trong lịch sử nghệ thuật nhân loại. Chúng không phản ánh hết tài năng của các tác giả, và xa lạ với tinh thần thời đại (khi chúng ra đời). Điều này có căn nguyên mỹ học và có quan hệ đến một số vấn đề thần học. Sẽ không thực tế nếu đòi hỏi một sự phân tích thấu đáo ngay ở đây. Như đã nói ở đầu bài, tôi sẽ quay lại vấn đề này sau khi đã điểm qua tương đối đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu với các chủ đề tiêu biểu của nghệ thuật Công giáo.


(Bài đã in trong sách Nghệ thuật Công giáo-tập 1)