Copyright
1990 All Rights Reserved
Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California,
Hoa Kỳ Giữ bản quyền. Mọi trích dịch, in lại, thu âm, chụp hình dưới bất cứ hình thức nào, phải ghi rõ xuất xứ.
Nhóm vanthoconggiao.net hỗ trợ việc rà soát, chỉnh sửa lỗi đánh máy
trong ebook PDF
Copyright 1990
All Rights Reserved
Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California,
Hoa Kỳ
Giữ bản quyền.
Mọi trích dịch, in lại, thu âm, chụp hình
dưới bất cứ hình thức nào, phải ghi rõ xuất xứ.
Nhóm vanthoconggiao.net hỗ trợ việc rà soát, chỉnh sửa lỗi đánh máy
trong ebook PDF
THIÊN HÙNG SỬ
117 HIỂN THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT
NAM
LỜI TỰA
Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hân hạnh giới thiệu tác phẩm:
“THIÊN HÙNG SỬ 117 HIỂN THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM” hay “UỒNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”.
Đây là một công trình trước tác tại Việt Nam với tất cả kho tàng sử liệu vô cùng
quý giá đang lưu trữ tại quê nhà. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại San Jose, California, Hoa
Kỳ, được hân hạnh trao phó nhiệm vụ phổ biến tác phẩm này tại hải ngoại, vì theo ý tác giả,
Cộng đồng này đã phải hy sinh gian khổ để bảo tồn nền văn hóa dân tộc và đang nỗ lực sánh vai
với các Cộng đồng khác để kiến tạo những ngôi đền Thánh Tử Đạo Việt Nam nguy nga, tráng lệ tại
hải ngoại. Hiện Cộng đồng Công Giáo Việt Nam San Jose được vinh dự cung nghinh và an vị rất
nhiều linh cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng như nhiều kỷ vật của các ngài, nên xứng đáng
đại diện để truyền bá niềm tin và những mẫu gương anh hùng sáng chói của tiền nhân cho hậu
sinh tưởng niệm và theo gót (Tính đến ngày 15.1.1991, Cộng đồng đang lưu kính linh cốt của 74
Thánh trong số 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam và một số gông, xiềng, roi, trượng, dây thừng xử
giảo, vật dụng thường nhật của các Thánh, cũng như đất thiêng thấm máu các Thánh tại pháp
trường Năm Mẫu, Hải Dương và Bảy Mẫu, Nam Định.)
Cộng đồng
chúng tôi lãnh nhận công việc này như nhiệm vụ chính đáng cần phải hoàn thành để tuyên dương
những mẫu người mà khi độc giả theo dõi cuốn sách này sẽ nhận thấy là những vĩ nhân thực sự
của nhân loại. Các Thánh đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô, như chính Đức Kitô đã
chết cho các ngài. Và trong giây phút kết thúc cuộc đời thì chính các ngài muốn góp phần vào
công cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô.
Nhiệm ý là chỗ đó và huy hoàng cũng là chỗ đó. Phải, các Thánh đã trải qua những
giây phút nghiêm trọng nhất của một đời người, cũng như những tháng năm căng thẳng trước một
quyết định tối hậu: Theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là phải sống trong gông cùm
và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng cuộc sống vinh quang phú quí nơi trần
gian. Quả tình giây phút ấy chỉ có các ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với vinh phúc vô
biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc hay nhân sinh.
Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ
tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vừng nhật
nguyệt huy hoàng khôn tả. Họ đã hoan hỉ chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn
tả nổi, không bút họa nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn.
Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì Đức Tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh họ trước mặt Cha Ta trên Trời” (Mt 10, 32)
Người chết giữa ngục tù thê thảm đã không cảm nghĩ
như người đời thường dự tưởng. Họ hiên ngang vì đáng được chịu khổ vì Đức Kitô (Act 5, 41). Họ
cũng chẳng màng chi đến nhân loại truy tặng huân chương. Người chết tử đạo là chết vì Đức
Kitô. Đơn thuần và tinh khiết. Trong sáng và huyền diệu. Can trường và khiêm nhu. Nếu như Giáo
Hội Công Giáo có suy tôn họ, là vì Giáo Hội này đã nhận diện ra những vẻ huy hoàng, những nét
lẫm liệt, những đường kiệt tác nơi bản thân và hành động của họ. Phần họ, chẳng vì sự tôn
phong nào mà thêm phần phúc. Họ đã được hồng ân linh thánh, ví chính Chúa là hạnh phúc của họ.
Họ có thiếu chi đâu!
Bởi thế, nghĩ rằng các Thánh Tử Đạo
chết vì tổ quốc là một điều nghịch lý. Nghịch lý cho tổ quốc họ đến truyền đạo và cũng nghịch
lý nữa cho cả tổ quốc đã sinh thành ra họ.
Những nhà
truyền giáo hải ngoại trước khi rời bỏ quê hương đã được tiễn biệt bằng nghi thức rất cảm
động. Tất cả những bậc vị vọng nhất hiện diện trong buổi tiễn biệt đều quỳ xuống trước mặt họ
và hôn chân họ. Nghi thức long trọng tuyên bố với họ rằng: Từ đây, họ đã trở thành kẻ xa lạ
với quê hương. Họ sẽ vĩnh viễn miên trường hát ca khúc “Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin
Mừng” (Is 52, 7). Tổ quốc ấy đã không mong gì nơi họ nữa, ngoại trừ niềm vui đã hiến dâng
Thiên Chúa những người con ra đi hiển dương công trình kiến tạo bằng Giá Máu của Đức Kitô.
Đúng như lời thánh Berrio-Ochoa Vinh đã nói khi từ giã đất Mẹ: “Tôi đi để quê hương tôi có
người làm Thánh.” Từ đó, tổ quốc sinh ra họ kể như đi chết, trước khi họ thực sự đổ dòng máu
thắm tô điểm cho tổ quốc họ xin nhận làm quê hương mới.
Tuy nhiên, tổ quốc mới này có khi đã hiểu lầm họ, có khi đã lợi dụng họ, và có khi đã tàn nhẫn với họ. Các vị thừa sai chết tại Việt Nam chẳng bao giờ nhằm tạo nên một mối hiềm thù giữa các dân tộc. Họ đón nhận Thập Giá như đón nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tuyên xưng với họ từ ngày họ kêu danh Ngài như nguồn ơn Cứu độ: “Nếu chúng con thuộc về thế gian thì thế gian đã quý mến chúng con... Nếu thế gian thù ghét chúng con thì chúng con hãy nhớ rằng thế gian đã thù ghét Thầy trước” (Ga 15, 18. 19). Định luật này đúng ở mọi nơi và áp dụng cho mọi thời.
Hai Thánh Phêrô và Phaolô chết ở
Rôma với trên 300 ngàn giáo hữu khác. Chẳng người nào ở Rôma đã kết án các ngài có mưu đồ
khuynh đảo Đế Quốc Rôma để thiết lập một thứ “Do Thái” tại Tây Phương. Mọi người đọc lịch sử
đều biết rằng những người tử đạo đã không có tiếng nói của nhân sinh, mà họ chỉ có một thiếng
nói của Thần Linh. Ai hiểu được Thần Linh sẽ gặp được họ. Lý luận của họ và cả đến đời sống họ
sẽ không được thực nghiệm nếu kẻ tìm hiểu không được chia sẻ chung một nhãn quan mới của Đức
Tin.
Vấn đề các
thừa sai chết cho tổ quốc Pháp, cho chính sách thực dân Pháp tại Việt Nam là lý luận của một
số người muốn chạy tội cho một thời đại thiếu trưởng thành của các vua chúa Việt Nam. Đúng ra,
người Công giáo Việt Nam có đủ thẩm quyền đặt lại vấn đề này với hậu sinh của các triều đại ấy
hiện đang có mặt ở khắp đó đây thì trớ trêu thay họ lại khoa trương hành động sát nhân của các
vua chúa là chính đáng. Nếu hậu duệ của nạn nhân không tố cáo kẻ sát nhân, điều ấy không có
nghĩa là kẻ sát nhân được thừa nhận là hành động chính đáng.
Và tại sao những hy sinh cao cả của các vị truyền giáo luôn luôn bị bôi nhọ bằng nhãn hiệu thực dân? Nghĩ cho cùng, đó là Thánh Ý Chúa muốn “hành động tử đạo” phải được hoàn tất trọn vẹn nhất, vì tử đạo trong hoàn cảnh này là tử đạo cả ngoài thân xác lẫn trong danh tiết.
Bởi thế, đọc
cuộc đời của 117 Đấng Thánh đã làm nên thiên hùng sử của dân tộc Việt trong suốt 300 năm không
ngừng tranh đấu với thần lực của tối tăm, không có nghĩa là chúng ta chỉ đi tìm những ký lạ,
những siêu việt, những tuyệt vời trong đời sống các ngài, mà hơn nữa, để nhận ra sức mạnh của
ân sủng. Chúng ta sẽ nghiệm lại nơi chính tác phẩm này điều đã được tường trình bởi Thánh
Phaolô:
“Và để tôi khỏi sinh lòng kiêu căng vì các ơn lạ ấy,
Chúa đã đặt một cái dằm trong thịt tôi, khác nào để một thủ hạ của Satan tát vả tôi, để tôi
mất tự kiêu, tự đắc.”
“Ba lần tôi xin Chúa cho tôi thoát khỏi cài khổ cực ấy. Song Chúa phán bảo tôi rằng:
“Ơn Ta đủ để hộ giúp con. Vì sức mạnh của Ta được biểu lộ ra trong sự yếu đuối”. Bởi vậy, tôi
rất vui mừng khoe khoang sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô được biểu dương nơi
mình tôi.
“Lại nữa, tôi
vui chịu mọi đau khổ, mọi sỉ nhục, mọi gian nan, mọi bắt bớ, mọi cơ cực vì Chúa Kitô, bởi khi
tôi yếu đuối lại chính là lúc tôi dũng mạnh” (2Cr 12,7-10).
Do đó, chúng ta cùng nhau đọc những trang sách này chính là một cách thực tiễn
để suy tôn những kiệt tác ân sủng nơi các Thánh. Người viết tác phẩm này đã khởi sự với mong
ước được học theo các Thánh một cách tỉ mỉ và trọn vẹn. Đến lượt chúng ta những người đọc,
cũng chỉ có một hoài bão là được hăng say thực hiện những hy sinh hằng ngày như một công trình
cố gắng hoàn thành tác phẩm ân sủng của Chúa nơi bản thân mỗi người.
Đó là lý do chúng tôi, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại San Jose, muốn được hân
hạnh tặng quí vị tác phẩm này, một tác phẩm dạy ta làm Thánh bằng chính những tấm gương Thánh
của những bậc tiền bối Thánh, của một dân tộc Thánh, như dân tộc Việt Nam.
Đấy chẳng là vinh dự và trách nhiệm của chúng ta sao?
San
Jose, Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(24.11.1990)
Tiến
Sĩ TRẦN AN BÀI,
Chủ tịch Cộng đồng Công Giáo Việt
Nam
San
Jose, Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(24.11.1990)
Tiến
Sĩ TRẦN AN BÀI,
Chủ tịch Cộng đồng Công Giáo Việt
Nam