Một trong các lời than phiền mà người Công giáo chúng ta nghe được từ
người khác là Thánh Lễ nhàm chán lắm. Có thể thi thoảng chính chúng ta cũng nghĩ như vậy.
Người ta than rằng họ không được gì khi tham dự Thánh Lễ. Đôi khi chúng ta quên rằng Thánh Lễ
không quá nhiều về chúng ta vì Thánh Lễ là chúc tụng và thờ phượng Thiên Chúa. Đó không là
cách chúng ta cảm nhận.
Thật vậy, cảm xúc của chúng ta là
nguồn sự thật và thực tế bất kham không đáng tin. Chúng thay đổi từng ngày và ảnh hưởng bởi
rất nhiều yếu tố ngoại tại và nội tại. Đừng cho rằng ma quỷ luôn tìm cách kéo chúng ta xa rời
Thiên Chúa bằng cảm xúc và sự tưởng tượng của chúng ta. Thiên Chúa cũng chẳng như cảm xúc của
chúng ta. Nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào cách chúng ta cảm nhận, chúng ta
sẽ thấy mình tôn thờ cảm xúc của mình chứ chẳng tôn thờ Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta sẽ trải nghiệm những lúc mà các vị linh hướng gọi là sự phiền
muộn và sự an ủi. Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian chú ý tới sự phiền muộn hơn là sự an ủi khi
Thiên Chúa muốn tẩy rửa và giải thoát chúng ta khỏi dính líu những thứ trần tục, kể cả việc
đặt cảm xúc ở trung tâm cuộc đời của chúng ta. Nếu không được kiểm soát, cảm xúc sẽ
dẫn chúng ta vào con đường lầm lạc và thậm chí là nguy hiểm. Đó là sự thật khách
quan về đời sống hằng ngày, nhưng nó cũng gắn liền với cách chúng ta hiểu biết về Thánh Lễ.
Chúng ta không là trung tâm của Thánh Lễ, chính Đức Kitô mới là trung tâm của Thánh
Lễ.
1. CHUẨN BỊ THÁNH LỄ
Một trong những khó khăn mà tất cả chúng ta đều đối mặt trong nhịp sống ngày nay là KHÔNG DÀNH THỜI GIAN ĐỂ CHUẨN BỊ CHO THÁNH LỄ ĐÚNG MỨC. Chúng ta vội vàng đi lễ, nhiều người tới nhà thờ thì Thánh Lễ đã bắt đầu, có khi đã đọc sách thánh xong, rồi chia trí đủ chuyện và cảm xúc mơ hồ. Mục đích của Thánh Lễ là đưa chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi – đặc biệt là qua sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Thánh Lễ đưa chúng ta vào
mối quan hệ kết hiệp với Thiên Chúa và tha nhân trong Đức Kitô để chúng ta có thể đi vào thế
giới và loan báo Tin Mừng. Thánh Lễ còn là dịp chúng ta chia sẻ sự hy sinh của Đức Kitô qua
việc dâng của lễ – qua thừa tác viên linh mục – và dâng sự hy sinh của chúng ta lên Thiên Chúa
qua bí tích Thánh Thể. Trời và đất gặp nhau trong Thánh Lễ. Theo nghĩa đen, chúng ta đặt một
chân lên mặt đất và một chân bước vào cõi vĩnh hằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ.
Cần phải nuôi dưỡng thói quen tốt đối với Thánh Lễ để khi có những lúc khô khan
(không thể tránh) thì chúng ta có thể kiên trì và không rơi vào tình trạng chán nản hoặc thất
vọng. Chúng ta phải học cách giữ thinh lặng trong tâm hồn và ngoài thể lý.
Hãy nhớ rằng cả nội tại và ngoại tại đều là vấn đề và liên quan lẫn nhau. Đó là lý do Giáo Hội
biết rõ khi nhấn mạnh về vẻ đẹp của các dạng, nhất là trong Thánh Lễ. Đó là lý do bí tích
Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập vừa là hữu hình vừa vô hình. Chúng ta có xác hồn nên chúng
ta xử lý với thân xác và các cảm nghiệm thực tế, đó là vừa vật chất vừa tinh thần. Đó cũng là
lý do chúng ta đối mặt với nhiều chước cám dỗ tập trung vào thể lý khi điều khiển tinh
thần.
2. VÀO CÕI TĨNH LẶNG
Chính sự thinh lặng không có nghĩa là một dạng tự hành hạ mà chúng ta muốn để duy trì sự tĩnh lặng thể lý, tâm trí và linh hồn trong suốt Thánh Lễ. Hơn nữa, đó là cách sắp xếp đời sống tâm linh để chúng ta được bình an. Khi sự tĩnh lặng này bao phủ, chúng ta có thể nghỉ ngơi trong Chúa và tham dự vào những mầu nhiệm. Điều này không dễ đạt được, cần phải cầu nguyện và kỷ luật. Chúng ta sống trong thời đại bận rộn, vội vã, có thể khó hoặc có vẻ không thể tìm được sự tĩnh lặng trong cuộc sống hàng ngày. Để có thể thinh lặng trong Thánh Lễ, chúng ta phải tập luyện giữ thinh lặng mỗi ngày. Hằng ngày, hãy dành vài phút để cầu xin Chúa làm cho chúng ta tĩnh lặng trong tâm hồn, rồi tâm trí sẽ cho phép chúng ta đi vào cõi tĩnh lặng sâu thẳm khi chúng ta tham dự Thánh Lễ.
Trong cuốn “Meditations Before
Mass” (Suy Niệm Trước Thánh Lễ), tác giả Romano Guardini giải thích về sự cần thiết của sự
tĩnh lặng: “Con người sinh sống, và động vật di chuyển; sự tuân thủ từ bên ngoài
không ngưng nghỉ. Vì thế, sự tĩnh lặng vẫn còn, và nó chỉ xuất hiện khi nó được mong muốn. Nếu
chúng ta đánh giá cao sự tĩnh lặng, nó sẽ đem niềm vui đến cho chúng ta; nếu không thì chỉ là
sự khó chịu… Hơn nữa, sự tĩnh lặng không nên hời hợt, vì khi đó sẽ có tiếng nói hoặc sự lúng
túng; tư tưởng, cảm xúc, tâm hồn cũng phải tìm được sự nghỉ ngơi. Rồi sự tĩnh lặng đích thực
sẽ thấm sâu vào chúng ta, lan tỏa ra xung quanh”.
Sự tĩnh lặng đem lại bình an và niềm vui, giúp chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa ở mức sâu rộng hơn. Sự tĩnh lặng đưa chúng ta vào những nơi bí ẩn trong chúng ta để chúng ta có thể khám phá Ngài. Thánh Lễ là thời gian chúng ta có thể hiểu các bí ẩn mà chúng ta chưa biết và được bổ dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa. Các bí ẩn này mang ý nghĩa và cách hiểu mới hơn nếu chúng ta có thể duy trì sự tĩnh lặng trong đời sống của chúng ta.
3. THAM DỰ THÁNH LỄ
Để có thể giữ thinh lặng trong Thánh Lễ, chúng ta cần đến nhà thờ sớm. Rất nhiều
người đến nhà thờ vội vã, chia trí, kích động, chán nản, hoặc mệt mỏi. Những người
có con nhỏ đều biết rằng đó có thể là cuộc đấu tranh thực tế để giục người khác đi lễ đúng
giờ. Đến nhà thờ sớm vài phút cho chúng ta cơ hội cầu xin Chúa thanh tẩy lòng trí khỏi mọi
điều lo lắng. Điều đó có vẻ như không thể, nhưng chúng ta có thể đạt được khi kiên nhẫn với
đứa con đang trườn bò lên mình nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy cố gắng thực hành và
kiên nhẫn!
Đời sống tâm linh là nuôi dưỡng những thói
quen tốt lành và cần có thời gian. Hãy kiên nhẫn với chính mình, nhưng hãy cố gắng đến nhà thờ
5-10 phút trước giờ lễ. Tác giả Romano Guardini giải thích: “Trước hết,
chúng ta phải tới nhà thờ sớm để chuẩn bị tâm hồn. Chúng ta phải loại bỏ ảo tưởng về tình
trạng của mình khi bước vào nhà thờ; chúng ta phải can đảm đối mặt với sự bồn chồn, sự lẫn lộn
và sự rối loạn của chúng ta. Nói một cách chính xác, chúng ta chưa thực sự hiện hữu là những
con người – không phải như con người mà Thiên Chúa nói, mà luôn hy vọng cách đáp lại phù hợp
với mình. Chúng ta là những bó cảm xúc, tưởng tượng, ý tưởng, và các kế hoạch khác. Điều cần
làm trước tiên là thinh lặng và tập trung. Chúng ta phải thành thật nói rằng tôi đang ở đây,
và chỉ có một điều tôi cần làm là tập trung vào điều duy nhất: tham dự Thánh Lễ. Tôi hoàn toàn
sẵn sàng”.
Sự chia trí và cuộc chiến tâm linh có thể là phương diện khó tránh khỏi về Thánh Lễ đối với đa số chúng ta, vì chúng ta chưa thực sự là “bậc thầy” về lĩnh vực tâm linh. Khi chúng ta cảm thấy bồn chồn áy náy, chúng ta phải tự cố gắng tập trung mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Đối với đa số chúng ta, điều này xảy ra khá thường xuyên, nhưng theo thời gian, tình trạng đó sẽ biến mất khi chúng ta sống có kỷ luật.
Tôi thấy rằng tôi cầu xin Đức Mẹ
kéo tôi gần với Mẫu Tâm Vô Nhiễm trước mỗi Thánh Lễ là việc làm hữu ích khi đấu tranh với các
tư tưởng lan man, chước cám dỗ, hoặc những điều làm chia trí khác. Thật tốt lành, nhà thờ giáo
xứ tôi có tượng Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá, thế nên tôi có thể chú ý tới Đức Mẹ khi tôi
cảm thấy khó giữ tĩnh lặng.
Khi chúng ta nhận thấy mình tiến bộ
trong sự tĩnh lặng về thể lý và tâm hồn, chúng ta không còn thấy khó tập trung nữa, nhất là
tập trung vào chính mình (vì có người cứ quay ngang quay dọc xem có ai nhìn mình không, rồi
vuốt tóc, chỉnh áo quần,...). Thánh Lễ sẽ không còn nhàm chán, không còn cảm thấy lâu, không
còn cảm thấy thời gian nặng nề trôi qua. Cách sắp xếp nội tâm của chúng ta có nhiều điều cần
làm đối với nhận thức của chúng ta về Thánh Lễ. Rất nhiều người than phiền về Thánh Lễ, họ
không làm được những việc cần đối với Chúa trước Thánh Lễ. Điều này không nghĩa rằng chúng ta
không có những ngày tồi tệ.
Nhiều lần chúng ta không cảm thấy
thoải mái, bị căng thẳng nhiều, hoặc mệt mỏi, nhưng khi nuôi dưỡng thói quen giữ tĩnh lặng,
chúng ta có thể tập trung vào Thiên Chúa. Không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thoải mái
khi đi lễ. Thật vậy, có thể có những lúc chúng ta khô khan nguội lạnh hoặc cảm thấy trống rỗng
khi cố gắng bám vào Thập Giá để sống tốt hơn. Chắc chắn được nghỉ ngơi trong những lúc khó
khăn và những lúc bình an, Chúa Giêsu vẫn nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Ngài và bằng Mình Máu
Ngài để lôi kéo chúng ta vào sâu trong tình yêu và lòng thương xót vô biên của
Ngài.
CONSTANCE T. HULL
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu – 2018