Đừng Lo, Có Chúa!
“Đừng lo
con ạ, mọi sự đã có Chúa lo rồi ”, đó là câu nói cửa miệng của ba mỗi lúc tôi gọi điện về nhà.
Nhắc về ba tôi luôn không giấu nổi niềm tự hào với chúng bạn rằng mình có một người ba tuyệt
vời.
Ngay từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã được ba vun đắp niềm tin mãnh liệt vào Chúa, ba nhắc nhở
mọi người trong nhà đi nhà thờ đọc kinh, lần hạt, phải có lòng thương giúp đỡ người nghèo. Và
những lời dạy của ba luôn đi kèm với hành động. Ba là người luôn có mặt ở nhà thờ
trước, đi đâu ba cũng lần hạt, gặp người nghèo khi thì ba cho ít tiền, mời họ về nhà dùng bữa
cơm. Tôi còn nhớ lần ba đưa về một bà cụ người đồng bào đi lạc, ba chăm sóc, cho ăn uống rồi
bảo mẹ tôi đi lấy đồ áo cho cụ, cho cụ ngủ nghỉ ở nhà rồi ba lại tất tả chạy vào vùng dân tộc
để tìm người thân cho cụ. Lần khác ba lại đưa về một người ăn xin mặc mặc kệ mùi hôi bốc ra từ
người ăn xin đó, ba chuẩn chị giường ngủ, lo cơm ăn cho cụ. Mong ước của ba tôi luôn hướng về
người nghèo. Nhà tôi chưa có tủ lạnh, máy giặt, anh chị bảo góp tiền để mua, ba tôi cản lại và
nói: “Tụi bây lấy tiền đó cho ba, ba đưa người nghèo đi”. Thế là hết lần này đến lần khác, nhà
tôi mới mua sắm được mấy thứ đó.
Nhiều người bảo ba thích chuyện bao đồng, ba chỉ cười. Ba tôi làm bạn với những bợm nhậu, những người nghèo và những thành phần bất hảo. Ba bảo với tôi: “ Ba hòa nhập nhưng không hòa tan với họ”, ba lựa lời nói chuyện với họ, đôi khi chỉ là chuyện phiếm nhưng luôn nhắc nhở họ tu chí làm ăn. Ai nói gì mặc kệ, làm việc cho giáo hội, bị nhiều người hiểu lầm ba cũng chỉ biết im lặng và dâng tất cả cho Chúa.
Vì lo chuyện “ bao đồng” nên ba cũng hay bị mẹ phàn nàn, trách móc nhưng ba “
mãi vẫn thế”. Tôi thương ba tôi! Nghĩ về ba là bao nhiêu kỷ niệm đầy yêu thương cứ ùa về, ba
ít khi thể hiện tình cảm nhưng chỉ cần nhìn hành động của ba là tôi biết ba yêu chúng tôi đến
nhường nào. Tôi làm sao quên được hình ảnh ba đứng chờ anh trai, rồi em trai ngoài cổng suốt
đêm vì anh mải chơi chưa về. Ba nhiều đêm thức trắng vì lo cho chúng tôi, có những lần đợi
chúng tôi ngủ, ba lại rón rén vừa cầm tràng hạt lần chuỗi vừa ngắm nhìn chúng tôi, kéo góc
chăn đắp lại. Tôi giả vờ ngủ vì sợ ba giật mình.
Rồi lúc tôi còn ở nhà, ba thường là người dậy nấu cơm nước cho chúng tôi. Ba nấu ăn rất ngon, những món ăn của ba đều mang một hương vị rất riêng đặc biệt. Những lần anh chị em chúng tôi về quê, ba lại là người đi đưa đón. Có lần ba chở tôi về, ba vòng tay ra sau ôm lấy tôi và bảo: “ Chui vào áo cho đỡ lạnh con”. Rồi trên đường về ba cố chạy chậm lại cho gió đỡ thổi buốt.
Năm
tôi thi tốt nghiệp 12, khi kết thúc môn cuối cùng, ra tới cổng trường, ba đứng bên kia đường
vẫn tay cho tôi. Tôi nhìn ba mà rưng rưng nước mắt, nhìn chiếc xe cà tàng với chiếc giỏ trên
xe, thấy thương ba vô cùng. Ngồi lên xe, ba hỏi tôi thi cử thế nào, có mệt không? Tôi hỏi sao
ba lại ra đây, ba bảo ba mới đi bán dứa rồi chờ con về luôn, lúc đó tôi đã
khóc.
Ngày còn nhỏ, tôi ít nói chuyện với ba, thâm chí là cố gắng trốn tránh mỗi khi có thể. Với trí óc non nớt tôi không đủ để hiểu được tình thương của ba dành cho tôi, thay vào đó tôi thường trách móc và hờn dỗi vì mỗi lần bị ba đánh, ba la. Đến khi lớn lên, rời khỏi gia đình để đi học xa, tôi mới cảm nhận được rõ rệt tình thương của ba dành cho tôi.
Gia đình tôi
có giai đoạn phải trải qua rất nhiều chuyện và ba là người gánh vác tất cả. Lần đầu tiên tôi
thấy ba khóc đó là lúc chị cả mất, ba ôm chặt cỗ quan tài đau xót. Anh chị em tôi chỉ biết
khóc, nỗi đau của chúng tôi không thấm với nỗi đau của ba. Mãi về sau này, mỗi lần ba nói
chuyện với tôi lại nhìn ra khu vườn đầy cây trái và nhắc về chị cả. Tôi biết ba nhớ chị
lắm.
Đối với anh chị em chúng tôi, ba không những là người ba đầy
trách nhiệm mà còn là thầy dạy đức tin cho chúng tôi, là người bạn để mỗi khi chúng tôi mệt
mỏi, lo lắng bất an, ba lại xuất hiện như vị cứu tinh, an ủi và động viên chúng tôi đặt niềm
tin, phó thác vào Chúa.
Maria Hưởng
Nguyễn
Nguồn: Bản tin online
tháng 6/2018 của Ủy ban Giới trẻ và Thiếu nhi - Hội đồng Giám mục VN