Nhập từ khoá và bấm Enter để tìm kiếm...

Những công trạng ít được biết đến của các thừa sai

NHỮNG CÔNG TRẠNG ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN CỦA CÁC THỪA SAI...

Đóng góp của các Thừa sai dẫn đến đổi thay trong đời sống văn hoá, xã hội và kinh tế ở Việt Nam theo hướng văn minh hơn, hiện đại hơn rất nhiều. Ở đây, tôi chỉ ghi chú vài công trạng ít người biết đến...

*



Với người dân Việt, các ngài giúp dân tổ chức canh tác đất đai, đưa kiến thức, khoa học kỹ thuật phương Tây về để làm nên hiệu quả kinh tế. 

Sau bách hại 1885, cha Jean Maillard Thiên từ Gia Hựu ra Phú Thượng, phổ biến cách trồng trà, càphê và lúa, được bổ nhiệm làm thành viên Phòng canh nông và thương mại Annam (Chambre d'agriculture et de commerce de l'Annam). 

Cố Đề Marie-Louis-de-Gonzague Villaume nổi tiếng với các công trình thủy lợi tại Phan Rang. Cha cho khôi phục lại một con mương cũ mà hiện nay vẫn còn được gọi là Mương ông Cố; khôi phục đập và mương Rừng Cấm, thay thế đập chắn cũ của Nha Trinh, tạo nên cả một vùng ruộng lúa thành công đến nỗi một viên thanh tra nông nghiệp trong bản báo cáo chính thức gọi cha là “nhà khai khẩn cừ khôi của xứ Annam". 


Đức cha Jean Claude Miche Mịch (Gioang) là người có công đưa giống cây mảng cầu Xiêm (corossolier) về Đông Dương, nguyên là một giống cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Ban đầu ngài có bài sai đi Đàng Trong, nhưng vì bách đạo nên đi Bangkok và Cambodge. Năm 1840, ngài đến Đàng Trong và làm Quyền đại diện, bị bắt và dẫn về Huế. Trong suốt những chuyến đi đó đây, ngài rất quan tâm đến thực vật. Ngày 6 tháng Giêng 1870, khi làm Đại diện tông tòa Tây Đàng Trong, ngài viết cho cha Laigre ở Penang : «Có những loại trái cây ở trường Penang mà tôi rất muốn du nhập vào đây, nơi chúng vẫn còn chưa được biết đến, như mít tố nữ (champada) và chôm chôm (ramboutan). Nếu cha vui lòng, khi các chủng sinh về Sàigòn, thì xin cha giao cho họ một thùng các giống cây nói trên để họ chăm sóc chúng trên đường về, như vậy tôi sẽ rất vui cũng như giám đốc vườn bách thảo Sàigòn».Như thế, rất dễ hiểu là tại sao các vùng Lái Thiêu và miền Tây lại trở nên một miền trù phú với các giống cây trái mà hiện nay đã hợp thổ nhưỡng trở thành cây bản địa.

Một số thừa sai «chết» với cái biệt danh gắn liền với công trạng nổi bật của họ. Trong cuốn Niên giám Đông Dương thuộc Pháp, cha Wendling có biệt danh là «Missionnaire-agriculteur» (Thừa sai nông gia), cha Marie Honoré Tissier là «Missionnaire-propriétaire» (Thừa sai điền chủ) và không ngạc nhiên lắm khi cha Maheu được gọi là “Missionnaire-imprimeur” (Thừa sai nhà in). 


Cố Linh mục Antoine Wendling (1869-1923), làm việc tại Cây Da, Trà Kê từ năm 1895. Năm 1897, ngài xây nhà thờ mới Trà Kê. Năm 1901, được gọi về Mằng Lăng. Tại Mằng Lăng, ngài tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ còn đang dỡ dang do cha Joseph Lacassagne (cố Xuân) để lại, không liên can gì đến việc đồng áng. Có lẽ biệt danh “nông gia” này có từ thời ngài còn ở Trà Kê và Cây Da. 

Cố Ngọc Marie Honoré Tissier (1864-1919) năm 1893,  làm việc tại Chợ Mới, Bình Cang. Năm 1897, phụ trách Trung Sơn, Quảng Ngãi. Chính tại đây, ngài đã khai khẩn các triền đồi để trồng trà và quế, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng. Có lẽ vì là chủ sở hữu các đất canh tác này mà ngài có biệt danh “Thừa sai điền chủ”. «Bên hữu ngạn sông Trà Bồng, cách con sông vài cây số, ở Trung Sơn (Huyện Bình Sơn), gần địa sở của mình, Cha Tissier sở hữu ba đám gò đồi rừng, nơi ngài trồng tiêu, trà và quế,… Nhờ nỗ lực cá nhân cũng như làm việc vất vả mà cha đã biến đổi đất rừng thành những vườn tiêu, đồn điền trà và sắn mì như ta thấy ngày nay…. Ngày nay, kết quả rất khả quan.

 Trong vườn có khoảng 1.000 gốc tiêu. 3.000 gốc khác được trồng trên đồi mà khoảng một phần tư đã được khai phá hoàn toàn, cây giống tiêu đã được trồng thử và có vẻ như đã thành công; bốn cái giếng được đào để tiêu tưới trong mùa khô. Ngoài tiêu ra, hiện thời có 2.000 gốc đang sinh lợi và 30.000 gốc ươm, mà 15.000 gốc sẽ được trồng trong năm tới trên những mảnh đất được cấp tốc phát hoang.

 Khoảng 500 cây quế cũng đã lên mạnh và 500 cây khác trong vườn ươm. Để đạt được mục đích, ngài đã phải chiến đấu chống lại đất đai bạc bẽo, khô cằn, khí hậu xấu, sự thờ ơ của người bản xứ và ngay cả những con thú hoang. Hiện nay vẫn còn những con hoẵng, nai, đến gặm những gốc quế hoặc chè trong khi lũ khỉ nhổ những dây tiêu, nếu không thì mấy con gà rừng cũng đến đào cho bật gốc. Ngài thật sự có công khi làm việc và thành công trong những điều kiện khắc nghiệt như thế. Một tấm gương đáng noi theo».

Cố Mỹ Maheu học tiếng Việt tại cảng Qui Nhơn, rồi làm cha phó cho cha Villaume ở Phan Rang. Ít lâu sau ngài phụ trách các sở họ ở Ninh Hòa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì kiệt sức và phải đi nghỉ dưỡng ở Hong Kong trong vòng một năm. Khi trở lại địa phận, ngài được gởi đi làm việc nơi người Bahnars, nhưng chỉ được 4 tháng thì căn bệnh buộc ngài phải trở lại đồng bằng và rồi sau đó lại đi Hong Kong nghỉ bệnh. Tại đây, ngài học nghề in với cha Monnier tại Nhà in Nazareth, học từ khâu vận hành máy in, đúc chữ, xếp chữ, cho đến đóng bìa …. Trở về địa phận vào tháng Bảy 1904, ngài phụ trách nhà in của địa phận từ tháng Chín năm đó và cũng từ đấy ngài mang biệt danh «missionnaire-imprimeur» (thừa sai nhà in). 

Cha Maheu quả là một thừa sai đa năng, hoạt động trong nhiều lãnh vực. Ngoài nhà in, ngài còn là sáng lập viên trại phong Qui Hòa và Hội học Pháp Nam Qui Nhơn, một hoạt động ít được biết đến. «Hoạt động xã hội của cha Maheu không chỉ dừng lại ở Trại phong Qui Hòa mà chúng tôi có dịp nói đến gần đây, mà còn có một thiết chế có thể thấm nhập cả đời sống con người và là điều đáng hãnh diện cho người sáng lập ra nó. Người mà chúng tôi nói đến ở đây là một người nhiệt tâm và đầy tham vọng trên lãnh vực nhân ái. Chăm sóc cho những người bị thua thiệt, nạn nhân của chứng bệnh kinh tởm, cho họ chỗ ở, nuôi sống họ, an ủi họ trong cảnh khốn cùng, điều đó vẫn chưa đủ đối với sự tận tâm của con người tông đồ này, người phục vụ xứng đáng của Đức Kitô. Ngài có lý khi nghĩ rằng : «Lo phần xác thì tốt nhưng chưa đủ, phải lấp đầy tri thức, làm cho nó phát triển». Và thế là ngài bắt đầu công việc.

 Ngài sáng lập Hội học Pháp Nam Qui Nhơn (Cercle d’études franco-annamite de Quinhon) như đã sáng lập Trại phong Qui Hòa, hai thiết chế đều cần thiết và cấp thiết trên các phương diện khác nhau. Ở lãnh vực này, ta chữa trị, làm giảm nhẹ các căn bệnh. Ở lãnh vực kia, ta duy trì sức khỏe tinh thần nơi những người khỏe mạnh phần xác. Làm sao diễn đạt và thực hiện được dự định cao cả này chứa đựng trong câu ngạn ngữ lừng danh «Tinh thần khỏe mạnh trong một thân xác tráng kiện»? Điều lạ lùng nhất là vị linh mục lỗi lạc này, được đức tin vững mạnh nâng đỡ, đã thành công trọn vẹn trong hai sáng kiến này, dù cho có những câu tục ngữ bi quan biện hộ cho tính lười biếng hay làm nản lòng những thiện ý nhưng chúng chẳng mấy ảnh hưởng đến những bản tính mạnh mẽ và quyết đoán : «Qui trop embrasse mal étreint » (Ôm đồm cho lắm chẳng xong việc nào)» ; «Il faut se garder de courir deux lièvres à la fois» (Đừng chạy theo hai con thỏ cùng lúc; Đừng bắt cá hai tay) etc…. Nên lưu ý một chút là cha Maheu đã loại bỏ những vấn đề chính trị và tôn giáo khỏi hai cơ sở này của ngài, đây là điều đáng khâm phục nơi một vị tu sĩ. Mục đích duy nhất của ngài chỉ là sự xích lại gần nhau giữa người Pháp và Việt, giúp những con người ưu tú của hai dân tộc này hiểu nhau …. ».

(Hình: Với linh mục Võ Đình Đệ-một nhà nghiên cứu uyên thâm về lịch sử và văn hoá Công giáo ở Việt Nam-ở nhà truyền thống giáo phận Quy Nhơn...)

Hình